CON ĐẺ CON NUÔI TRONG THƠ
Thường thì ai mà chả quý con đẻ của mình hơn con nuôi.Trong văn thơ cũng tương tự như vậy.
Những đứa "con tinh thần"do mình đẻ ra bao giờ chả quý hơn yêu hơn .Còn những bàì dịch ra một ngôn ngữ khác tạm gọi là "con nuôi"làm sao mà hay như nguyên bản được.Song đôi khi "con nuôi "lại hay không kém "con đẻ".Thậm chí còn hay hơn.Đó là trường hợp 2 bài thơ
EM TẮM của tác giả Bạc Văn ÙI và NHỚ VỢ của tác giả tác giả Cầm Vĩnh Ui. Bấy lâu nay ta cứ yên trí nó được nhà thơ Cầm Giang dịch từ tiếng dân tộc Thái và gửi in.Hai bài thơ rất nổi tiếng .Ai đọc cũng thấy thích nhất là giọng điệu thật thà như đếm của người dân tộc.
Nhưng thực hư ra sao mời các bạn đọc bài sau đây của tác giả Hoàng Bình Trọng sau đây :
"Tôi về công tác ở trường ĐH Mỏ - Địa Chất (đóng tại thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc) cuối năm 1967. Vài năm sau, tôi gặp nhà thơ xứ nghệ Nguyễn Bùi Vợi dạy học gần đấy. Qua Nguyễn Bùi Vợi tôi được làm quen với Cầm Giang , nhà thơ quê xứ Thanh, lấy vợ và định cư ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Thời kỳ này tôi mới tập tành làm thơ, gia sản chỉ có dăm bảy bài đăng rải rác trên các báo. Trong khi đó thì hai anh đã là tác giả có tên tuổi, đặc biệt Cầm Giang đã có thơ in thành tập ở một nhà xuất bản lớn, có thơ phổ nhạc, có thơ nằm trong Tuyển tập Quốc gia. Cho nên tôi cứ thấy giữa mình với hai anh có một khoảng cách xa vời. May thay, đó chỉ là ý nghĩ của riêng tôi, trong thực tế Nguyễn Bùi Vợi và Cầm Giang đã cư xử với thằng bạn kém họ chục tuổi này hầu như chẳng có khoảng cách nào cả.
Vài ba năm trở lại trên nhiều báo chí Trung ương có đăng bài nói về nhà thơ Cầm Giang và đều có ý nghi hoặc hai bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm” (trong tập “Rừng trắng hoa ban”) có đúng do Cầm Giang dịch, hay Cầm Giang chính là tác giả. Điều nghi hoặc ấy cũng là điều nghi hoặc của tôi cách đây hơn bốn chục năm, vì mấy lý do sau:
Thứ nhất, tôi vốn là một kỹ sư địa chất, đi đây đi đó nhiều, có điều kiện tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt với đồng bào Thái Tây Bắc. Tôi lại rất thích thơ, đã bỏ nhiều công đến các tổ chức văn nghệ địa phương những tỉnh miền núi để tìm nguyên bản tiếng Thái và tác giả của bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm”, nhưng đều vô vọng. Thậm chí sau này tôi hỏi đích danh “tác giả” Cầm Giang, mà anh chỉ cười và tìm cách đánh trống lảng.
Thứ hai, nếu đối chiếu “Nhớ vợ” và “Em tắm” với nền thơ dân tộc Thái nói chung, tôi nhận thấy hai bài thơ này hay thì rất hay, lạ thì rất lạ, hồn nhiên thì rất hồn nhiên, nhưng có vẻ “thái quá”, “láu cá quá”. Kiểu như đó là tác phẩm của một tác giả người Kinh “lõi đời” sắm vai một tác giả dân tộc thiểu số, chứ không phải tác phẩm của một tác giả thiểu số đích thực.
Lý do thứ ba, từ khi hai bài thơ rất nổi tiếng ấy được công bố trên báo chí đến nay đã rất lâu, tại sao hai tác giả của chúng ta là Bạc Văn Ùi và Cầm Vĩnh Ui không thấy xuất đầu lộ diện dưới bất kỳ hình thức nào? Trường hợp xấu nhất là cả hai đều đã chết, thì gia đình họ, bạn bè thân thích của họ cũng có người tìm cách liên lạc với cơ quan báo chí từ địa phương đến Trung uơng chứ ?
Tôi đem những suy nghĩ đó trao đổi với đám bạn bè văn nghệ xung quanh, là Nguyễn Giang (cán bộ giảng dạy Đại học Kinh Tài), là Nguyễn Công Dương, Nguyễn Huy Chỉ (quê ở Mê Linh, Vĩnh Phúc), là Nguyễn Văn Cường, Hoàng Tá (quê ở Vĩnh Tường). Rất may là cả năm vị này đều nhất trí với tôi, và “xui dại” tôi trực tiếp hỏi Cầm Giang, tôi chắc mẩm, với những lý lẽ “hùng hồn” của mình, thế nào cũng thuyết phục được nhà thơ, để anh thừa nhận bản quyền tác giả với hai bài thơ đó. Nào ngờ tôi đã húc đầu phải đá. Cầm Giang chẳng những không bị tôi thuyết phục, mà rất lạ, là anh đã nổi khùng lên thực sự, một điều rất hiếm thấy ở con người nổi tiếng đằm tính đó: “Lần sau nếu cậu còn lải nhải chuyện này, thì đừng vác mặt đến đây gặp tớ!”. Sau đó đầu năm 1971 tôi đi bộ đội.
Chẳng hiểu lý do gì mà suốt thời gian tôi vào Nam đánh giặc, Cầm Giang lại nhận được quá nhiều nguồn tin đồn thất thiệt về tôi. Nào là Hoàng Bình Trọng đã hy sinh dưới chân Thành cổ Quảng Trị hồi đầu tháng Tám năm 1972. Nào là Hoàng Bình Trọng đã chết đuối trong khi cùng đơn vị vượt sông Trà Khúc giữa mùa hè 1974. Nào là... Có lẽ vì thế mà đầu năm 1977 được tin tôi đã giải ngũ, trở về dạy học ở trường ĐH Mỏ - Địa Chất như cũ, Cầm Giang đạp xe trong mưa dầm gió bấc suốt chặng đường gần hai chục cây số đến tìm tôi.
- Có phải thân xác thịt hay hồn ma của mày hiện về hả Trọng?
Cầm Giang ôm chầm lấy tôi khóc nức nở.
- Em sống nhăn răng ra đây chứ hồn ma nào – Tôi cố nói cứng và kín đáo gạt nước mắt trên vai áo của anh.
Theo lời mời của Cầm Giang, tôi đến chơi nhà anh ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường. Mãi đến lúc này tôi mới biết người bạn vong niên thân thiết này của mình có tên khai sinh là Lê Gia Hợp, tên thường gọi là Lương Cầm Giang, sinh năm 1931.
Nét độc đáo nhất của Cầm Giang là không uống rượu, nhưng lại có rất nhiều bình rượu ngâm thuốc, không để bán mà để tiếp đãi bạn bè. Khốn nỗi, tửu lượng tôi chẳng hơn gì Cầm Giang, hai anh em đành mở tiệc ngô nướng, vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Giữa chừng tôi chợt nhớ chuyện xưa, lại hỏi:
- Bây giờ chắc anh chẳng ngần ngại gì mà không cho em biết tác giả thực của hai bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm” là ai rồi chứ?
Cầm Giang cáu kỉnh một cách thân mật:
- Cái thằng nhớ dai như đỉa.
- Xin anh hiểu cho. Cũng vì thắc mắc ấy chưa được giải đáp mà em chết nhiều lần không nhắm nổi mắt, phải sống lại về đây để hỏi anh bằng được đó nghe.
- Mày đã nói thế thì tao không trả lời sao được! Nhưng tao chỉ có một yêu cầu là tuyệt đối mày không được tiết lộ điều sâu kín này của tao với ai để tao khỏi rơi vào hoàn cảnh khó xử.
- Xin hứa!
Cầm Giang nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tôi là người duy nhất được anh thổ lộ điều này, rồi đủng đỉnh nói tiếp:
- Thông thường người đời thích biến con nuôi thành con đẻ, còn tao thì cố sống cố chết để biến con đẻ thành con nuôi. Nói thế, cậu hiểu rồi chứ ? Hai bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm” do tao làm ra, là “con đẻ” chứ đâu phải là tao dịch “con nuôi” đâu.
- Vâng, nhưng sao lại thế?
- Vì tao không muốn hai đứa con tinh thần ấy chết khô trong sổ tay mà phải được cấp giấy khai sinh chào đời.
- Ồ, đó là hai bài thơ tình rất hay thuộc loại hiếm có cơ mà?
- Càng thuộc loại hiếm có càng phải giấu tịt. Chẳng phải “Màu tím hoa sim” là bài rất hay mà tác giả của nó phải "lên bờ xuống ruộng" đó sao? - Cầm Giang cười buồn – Thời kỳ này thơ tình rất khó được đăng báo, nếu có thì cũng chỉ đến mức “Cái xắc mây anh mang, em nách mo cơm nếp” hoặc “Anh đi bộ đội sao trên mũ”, chứ “Sao anh lại rình/ Trộm xem em tắm”, với “Cho tôi đi anh nhé, về ôm vợ hai đêm” thì... hết hơi.
Nhưng tôi vẫn chưa chịu:
- Cuối cùng thì “Nhớ vợ” và “Em tắm” vẫn được in trên sách báo. Từ đấy đến nay mọi người chỉ khen, chứ có ai chê đâu?
- Khen là khen hai tác giả “ảo” Bạc Văn Ùi, Cầm Vĩnh Ui người dân tộc Thái đấy chứ. Với tác giả người dân tộc thiểu số thì chẳng nhà phê bình nào soi mói khuyết điểm “lãng mạn tiểu tư sản, thiếu lập trường giai cấp” của một bài thơ, mà chỉ tán dương: “Mộc mạc”, “hồn nhiên”, “chân chỉ hạt bột”, nói tóm lại, nhờ tài phù phép, tớ đã đưa hai bài thơ tình dễ bị ban biên tập ném vào sọt rác, thành hai bài thơ vào diện được ưu tiên xuất bản.
Cầm Giang ngửa cổ lên cười hềnh hệch, tiếp:
- Cũng vì cái chuyện ưu tiên, ưu hậu này mà nhà thơ nọ bực bội đã làm mấy câu vè đem đọc lung tung, sau này cậu ta bị kiểm điểm đến rát cả mặt. Mấy câu vè thế này : "Người ta ưu tiên phải già, thì mình còn trẻ/ Người ta ưu tiên phải trẻ, thì mình đã già/ Người ta ưu tiên đàn bà, thì mình là đàn ông/ Người ta ưu tiên bần nông, thì mình là địa chủ/ Người ta ưu tiên người thiểu số, thì mình là người Kinh." Tao cũng nằm trong hoàn cảnh giống anh chàng này. Nhưng nhờ láu cá, tao đã biến “con đẻ” thành “con nuôi”, nên bây giờ chúng mày mới đọc được “Nhớ vợ” và “Em tắm” trên sách báo. Hoàng Bình Trọng thấy thằng anh của mày có siêu không?...
Cuộc trò chuyện của anh em chúng tôi từ hôm đó tới nay đã trên ba chục năm. Các anh Cầm Giang, Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Tá đã qua đời, còn tôi thì về quê sống. Giữ đúng lời hứa với Cầm Giang, tôi chưa hề tiết lộ điều sâu kín kia với bất kỳ ai.
Khốn nỗi, như trên đã nói, vài ba năm trở lại đây “Những ẩn số Cầm Giang” bỗng nhiên rộ lên trên nhiều tờ báo, khiến tôi phải đắn đo suy nghĩ. Nếu tiết lộ câu chuyện biến “con đẻ thành "con nuôi” kia là mình không giữ đúng lời hứa với Cầm Giang, hơn nữa anh đã là người thiên cổ, thì trái đạo lý biết chừng nào. Có lúc tôi tự nhủ như vậy, nhưng lúc khác, tôi nghĩ ngược lại: Thời buổi bây giờ tình thế thay đổi nhiều rồi, nếu mình làm cho mọi người hiểu đúng sự thật, người ta sẽ khôi phục quyền tác giả của mấy bài thơ tình tuyệt tác đó cho Cầm Giang, thì chỉ tốt cho anh, chứ hại gì đâu? Lâu nay, tôi luôn bị giằng xé giữa hai luồng suy nghĩ đi theo hai chiều thuận – nghịch đó. Dần dần, luồng sau đã thắng luồng trước, bắt buộc tôi phải cáo lỗi với nhà thơ bạc phận Cầm Giang: Xin anh cho phép tôi, một lần vì anh mà nuốt trôi lời hứa năm nào, để nói với mọi người yêu thơ: Anh là tác giả đích thực của “Nhớ vợ” và “Em tắm”, chứ không phải dịch giả.
Khi ta biết được bài thơ EM TẮM là của chính tác giả CẦM GIANG ta lại muốn biết thêm ai là nguyên mẫu
của bài thơ đó. Mời các bạn đọc bài sau đây:
NGUYÊN MẪU TRONG BÀI THƠ EM TẮM
Nguyễn Tham Thiện Kế
Mối tình của Cầm Giang với nguyên mẫu trong bài thơ Em tắm. Nói đến Cầm Giang, nhiều người, trong đó có cả những nhà văn, nhà thơ đều mặc nhiên cho là ông sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc. Chỉ là con đẻ của Tây Bắc mới có thể làm thơ về Tây Bắc hay đến thế.
Và bản thân tôi, nếu như không có một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên với nhà thơ Cầm Giang vào những năm 80 của thế kỷ trước tại tư gia nhà thơ Bùi Đăng Sinh lúc đó ngụ ở làng Thổ Tang, Vĩnh Tưỡng - một làng cổ nơi đỉnh tam giác đồng bằng Bắc bộ đã sinh ra Nguyễn Thái Học - hẳn tôi vẫn nghĩ Cầm Giang là người gốc Tây Bắc và đang ở đâu đó làng bản nào Tây Bắc, ngẩn ngơ ngắm trinh nữ Thái tắm nơi suối vắng rừng hoang mà làm thơ.
Hình dung miền thơ Tây Bắc thì hình dung miền hoa ban trắng, hoa ban hồng và nhớ ngay một giọng thơ Cầm Giang trong trẻo, hồn nhiên chân thật đến đau lòng. Tôi nhớ vợ tôi lắm, Xin anh về hai ngày,… Tôi càng bắn trúng Tây, Vì tay có hơi vợ...
Cầm Giang tài hoa, đôn hậu bao nhiêu thì đời cũng lận đận bấy nhiêu. Dường như để bù lại những lao lực, thăng trầm cuộc đời đã dành cho nhà thơ hơi nhiều hơn người khác một chút, đó là tình yêu. Với tình yêu thì Cầm Giang có được hương vị ngọt đằm nhất của nó và cũng không kém đắng cay.
Theo những gì người ta biết thì trong đời thi sỹ có bốn người đàn bà đem lòng yêu. Số phận bốn người đàn bà đa đoan kia với số phận nhà thơ, thì nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã nói kỹ trong cuốn sách ẨN SỐ CẦM GIANG nên tôi không lạm bàn.
Cầm Giang còn có người đàn bà thứ 5. Đó là thiếu nữ người Thái, đã từng được giới chức Phìa, Tạo tuyển chọn từ ngày bé đào tạo múa xòe có bài bản phục vụ cho chúng và bọn quan thầy, thực dân Pháp.
Người đàn bà thứ 5 và bà Nguyễn Thị Kiên, người đàn bà thứ 2 (người vợ thứ 2) ở thôn Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh, Yên Lạc, Vĩnh Phúc là hai hình ảnh song trùng, đan xen trong miền thơ Tây Bắc của Cầm Giang.
Năm 1948, Lương Cầm Giang nhập ngũ ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá theo đoàn binh Tây Tiến vượt sang Lào rồi vòng về giải phóng Tây Bắc. Và người đẹp Cầm Bạch Thiêm xuất hiện trước mắt Lương Cầm Giang như bông hoa rừng đẹp quý phái nhưng lại ở trong vòng cương tỏa của bao nhiêu nghi kỵ...
Người đàn ông ăn khỏe
Nhà thơ Bùi Đăng Sinh là giáo viên giỏi dạy Văn cấp III trường huyện. Nhưng các nhà thơ kiêm thầy đồ dạy giỏi lúc đó thì không dạy thêm, dạy kèm như bây giờ. Các thầy làm thêm nghề lộn cổ áo sơ mi hay bán nước chè, nước vối đầu đường góc phố, nuôi lợn trên ban công, nuôi gà đẻ trong buồng.
Nhà thơ kiêm thầy giáo này có nghề cuốn thuốc lá cối, giao buôn. Một công việc có vẻ mang tính chất sản xuất hàng hóa. Tôi không hút thuốc lá nhưng mỗi lần qua lại Thổ Tang thường ghé vào Bùi Đăng Sinh.
Cầm Giang thở dài.
- Sự thật người ta không tìm, thì mình sẽ phải tự thú là lẽ thường. Nhưng mong cậu ý tứ, vì mình đã có quá nhiều rắc rối với đàn bà và với cuộc sống tội nợ. Mình được đàn bà họ yêu chỉ vì cái tính ăn khoẻ và thật thà thôi. Cầm Bạch Thiêm thì khác…
Hoặc là nghe ông đọc thơ hoặc để uống nước chè tươi, ăn ngô luộc hoặc nữa là sẽ có một bịch thuốc lá cuốn Bùi Đăng Sinh giấu vợ, dấm dúi nhét vào chiếc túi vải bạt tôi đeo bên sườn gửi cho mấy người bạn thơ trên Việt Trì.
Một lần, trong lúc Bùi Đăng Sinh đang giả vờ xếp những bịch thuốc cuốn 100 điếu vào thùng giấy, thì có người động cửa. Tôi giật mình. Bùi Đăng Sinh thì không, thậm chí còn thở phào, nói nhỏ: “Quân ta cả đấy mà“.
Người đàn ông chừng ngoại 50 tuổi, ngăm đen, cao lớn, trên mặt có những nét tròn tròn hiền hậu, nhưng tinh anh. Quần áo ka-ki vàng đất. Bên vai áo trái, một miếng vá trái màu. Mũ lá cũ nhưng được khâu vá lại chắc chắn như một mái lá gồi có thể chịu đựng mọi cơn mưa nắng.
Đôi dép rọ màu nâu nhiều ánh tím, kiểu sĩ quan quân đội, hàn vá bằng đủ thứ nhựa khác màu. Hai ngón tay kẹp điếu thuốc cuốn ám khói như móng giò thui. Thần khí người đó toát lên một sắc vàng nghệ non...
Người đàn ông hút thuốc điếu nọ nối điếu kia. Cả tầng nhà mờ mờ khói thuốc như đang hun sấy thứ gì đó. Chủ nhà bê ra một rá ngô luộc. Người đàn ông nhẩn nha vừa gặm vừa dùng những ngón tay thô, nhưng khéo léo lạ kỳ chỉ nháy mắt đã tách được lưng lòng tay ngô hạt khỏi cùi.
Không vội vàng, ông há miệng hất vốc ngô gọn lỏn vào bên trong. Nhai nghiền ngẫm như đang chiêm nghiệm một triết lý về ngô lai. Rá ngô luộc mình ông ta gặm đến 99 %. Còn tôi dù đang sức cố lắm cũng chỉ được nửa bắp. Bùi Đăng Sinh ngó chiếc rá trống không, vui vẻ hỏi khách.
- Nữa không ?
Ông khách liền vui vẻ gật.
- Tất nhiên, nếu thi nhân có thể xoay thêm.
Phố làng Thổ Tang thời đó đã là một thị trường dịch vụ, nên mua một rá ngô luộc lúc đang mùa không có gì là khó. Bùi Đăng Sinh khoèo chân, tựa cửa nhìn mặt đường lục cục chấm đen phân ngựa và ruồi bay, ới một tiếng đã hai ba đám mang ngô luộc tận cửa. Nóng khói.
Chỉ còn biết mắt chữ Y mồm chữ O, tôi chiêm ngưỡng sự tài ăn của người đàn ông cũ cũ hiền hiền. Rá ngô thứ 2 đang vơi đi qua vài ba phút một nhịp. Về tài khỏe ăn của ông khách (mà sau này tôi biết là nhà thơ Cầm Giang) thì bạn thơ bạn nghề và cũng nửa đường đứt gánh như ông là nhà thơ Kim Dũng cho hay thêm.
Trong một trại viết về giáo dục tổ chức ở Tam Đảo, Cầm Giang đã gửi xe đạp dưới chân núi, rồi cuốc bộ lên. Ông đến muộn, Kim Dũng đi cùng với bạn xuống nhà bếp đã chứng kiến Cầm Giang ăn hết veo ba mâm cơm dôi dư, kèm thêm nửa nải chuối.
Những bữa sau, biết khả năng Cầm Giang, ai cũng ý tứ dồn những cơm canh không đụng đũa tới cho ông. Và Cầm Giang cũng chẳng nề hà giơ cao đôi đũa chọc chọc vào khoảng không tiếp nhận sự đồng cảm bạn bè một cách tự nhiên.
- Tôi không có quyền được ốm. Cơ thể tôi là một cỗ máy không đồng bộ, nên tốn kém quá nhiều năng lượng…
Ông thầy giáo - Nhà thơ Bùi Đăng Sinh mở cánh tủ buýp-phê trịnh trọng bê ra hũ rượu rắn Hổ mang bành ngâm lẫn thuốc bắc, mật ong. Ba chiếc ly pha lê bụi bám lưu cữu, ông thầy thau rửa nước sôi mấy lần, cuối cùng cũng được rót vơi vơi thứ rượu quí.
Ông khách xoay xoay hồi lâu ly rượu rắn, như hồi nhớ.
- Gan tôi bị trệ, hậu quả những cơn sốt rét Tây Bắc và do thiếu ăn. Mà cũng có lẽ do ăn quá nhiều châu chấu với măng rừng. Tôi biết mình sức vóc to ngốp, nếu mà nghiện thứ gì thì sẽ nghiện rất nặng. Tôi đã nghiện thuốc lá, nay mà nghiện thêm cả rượu thì chỉ còn cách xẻo thịt mình bán dần may ra...
Lương Cầm Giang. Bút danh: Cầm Giang - tên thật là Lê Gia Hợp. Sinh 1931 tại Nguyệt Viên, Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Mất 1989 . Trước năm 1945 đã từng là đứa trẻ lang thang ở Nam Định, Hà Nội, rửa bát, đánh giày, bán báo. Bộ đội Quân y. Công nhân mỏ than. Giáo viên…
Tác phẩm chính: Gió núi biên phòng. Rừng trắng hoa ban. Người bản Nà Phiêu. Những bài thơ nằm lòng bạn đọc : Núi mường Hung, dòng sông Mã. Nhớ vợ. Em tắm. Em là con gái Châu Yên…
Ông khách chỉ nhấp ướt môi rồi dằn chén đứng dậy cáo từ. Khổ chủ liền nhanh nhẩu biết ý bỏ cả bịch thuốc đang hút trên bàn vào túi vải bạt. Khách đẩy vội ra. Khổ chủ kiên quyết ấn vào. Nhưng sau mỗi lần khách đẩy bịch thuốc, thì động tác từ chối cứ yếu dần. Rồi thì ông khách buông xuôi.
- Nể anh quá, lần nào cũng cho ăn no căng, lần nào cũng nhận thuốc lá...
Lần đâu đó trong người, ông khách lôi ra sấp tiền gấp phẳng phiu, đếm nhanh, nhét vội mấy tờ vào túi khổ chủ.
- Ông cầm một ít gọi là. Ông tuy làm ăn giỏi nhưng đâu đã giàu có gì. Cầm lấy cho tôi thanh thản tí ti.
- Cầm Giang khách sáo từ khi nào nhỉ? Cái này đâu có đáng gì. Tôi cũng vừa gửi cả trăm điếu cho Tất Ứng qua chú em đây này… Không tin Cầm Giang hỏi ngay xem…
Gần như giật ra khỏi sự níu giữ của bạn, ông khách nhảy lên chiếc xe đạp tồng tộc, bỏ đi thật nhanh. Cái tên Cầm Giang vừa vang lên như tín hiệu đã mã hóa trong tiềm thức tôi cựa quậy. Tôi cật vấn Bùi Đăng Sinh. Có phải Cầm Giang có tới 7 bài thơ trong Tuyển thơ ca Kháng chiến?
- Ô, thế mà tôi cứ ngỡ cậu biết Cầm Giang rồi. Đích thị Cầm Giang Em tắm, Nhớ vợ đấy mà...
Nàng thơ Em tắm Cầm Bạch Thiêm
Lần thứ 2 tôi diện kiến Cầm Giang cùng năm đó giữa lúc thu đương mùa. Phố Thổ Tang thêm người đội nón mê bê ngang sườn sổ hoa sen, gương sen bán dạo. Lại Bùi Đăng Sinh và Cầm Giang đối thực một rá lạc luộc lùm ngọn. Cầm Giang vừa nhả khói thuốc vừa nhằn vỏ lạc non pầng pậc.
Hôm nay tôi quan sát Cầm Giang kỹ càng. Những chấm nốt ruồi quanh cổ, sau tai, những vạt da má nám. Mắt long lanh sao mà vẫn âm u. Sơ-mi nhờ nhờ trắng, lấm tấm trứng rận dài tay, vén quá khủy, lộn cổ.
Quần ka-ki, “píc-kê” hai đầu gối thì hẳn sẽ cả sau mông (tôi khẳng định vậy). Dép cao su đúc. Móng chân cắt sát, nhưng váng phèn đỏ như mai cua phơi. Túi thuốc có logo quân y.
Khổ chủ Bùi Đăng Sinh, vợ con đi vắng, có lý do mạnh dạn mời cơm. Ông giáo chắc không mấy khi vào bếp nên làm bữa mà cứ như đánh trận công đồn. Hành mỡ xèo xèo. Khói tuôn ngùn ngụt. Bát đũa dao thớt va nhau như bộ gõ dàn nhạc đại. Tôi và Cầm Giang bóc tỏi, nhặt rau muống ngay trường kỷ.
Nhân lúc ông đồ Sinh nho nhã chân thấp chân cao lướt vào gian bếp lượn ra ngoài phố, tôi rón rén thưa chuyện. Nghe tôi kính cẩn gọi bác, Cầm Giang ném phạch nắm cuộng rau muống vào xô rác. Giọng nhỏ nhẹ, hơi có vẻ tủi thân.
- Cậu gọi Đăng Sinh thế nào thì gọi mình như thế cho tiện. Người thì anh người thì bác, nghe bất công quá. Mình đâu đã già lắm...
Cầm Giang bập bập hơi thuốc.
- Có lẽ không có việc gì của người đàn ông Việt là mình không làm, từ làm ruộng, đánh dậm, đánh giặc, đào than, đóng gạch, xây nhà, lấy cát, tôi vôi lẫn tiêm chọc con người ta nhì nhằng, mình đều làm tốt, hơn nữa tại nước da hơi ngăm đen…
- Thưa, anh... anh Cầm... Giang đã mấy dịp về thăm người đẹp nơi Tây Bắc năm xưa?
Tôi hỏi câu hỏi ấy chỉ vì sự ám ảnh từ những bài thơ Cầm Giang. Bỗng nhà thơ lặng đi run rẩy khiến những ngọn rau muống rời tay. Hơi thở nấc lên, ông nhìn theo con ngựa già gò lưng kéo xe qua cửa.
- Chuyện... đó... kín thế... lâu thế... mà cậu cũng biết hay sao...
Vô tình tôi sắp biết một bí mật thuộc về Cầm Giang mà có thể chưa ai hay.
Cầm Giang thở dài.
- Sự thật người ta không tìm, thì mình sẽ phải tự thú là lẽ thường. Nhưng mong cậu ý tứ, vì mình đã có quá nhiều rắc rối với đàn bà và với cuộc sống tội nợ. Mình được đàn bà họ yêu chỉ vì cái tính ăn khỏe và thật thà thôi. Cầm Bạch Thiêm thì khác…
Những năm 50, đơn vị từ Sầm Nưa quay về Tây Bắc. Chàng lính trẻ vừa học xong lớp y tá sơ cấp được phân công đi vận động quần chúng ở bản Thái mươi nóc nhà. Cách nơi đóng quân hơn chục cây số rừng.
Vận động quần chúng là phải đi ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Lối vào bản ấy phải vượt qua dòng suối sâu ngang ngực. Nước xiết, xanh biếc rêu, cá xỉnh (một loài cá đặc sản ở sông suối Tây Bắc) nhiều vô kể.
Ngay hôm đầu, chàng đã gặp tình huống cười dở khóc dở. Đang trần truồng đội ba-lô súng đạn lên đầu lom khom băng qua suối sâu trước bản thì nàng xuất hiện nơi bờ bên. Chậm rãi, đầu tiên nàng đưa chân xuống nước. Bước một, nàng tiến ra xa xa bờ lau, bới cao mái tóc lên đỉnh đầu.
Chẳng biết chiếc áo bó đã tuột xuống thắt lưng nàng từ lúc nào. Sao anh lại rình/Trộm xem em tắm/ Da của em ngần trắng/ Da của ái của êm/ Da của em trắng ngần/ Là của anh tất cả/... Em tắm giữa suối mường/ Tắm trong mối yêu thương...… Chàng lính trẻ hổn hển cháy khát, phải nuốt vội ngụm nước suối đầy.
Nàng tung nước lên đôi nhũ hoa hồng hồng nụ. Da thịt và nước mát lóng lánh dưới ánh mặt trời hắt ra rực rỡ như pha-lê. Nàng khẽ khẽ hát khúc ca tình ái nào đó. Rập rờn cánh bướm và sắc hoa ban. Chính lúc ấy ánh mắt hai người chạm nhau.
Tối đó loanh quanh một hồi, Chàng lại khoác ba-lô dừng trước lối lên nhà nàng. Ngôi nhà sàn bề thế nhất bản. Bởi cả bản, đó là lối duy nhất không cắm cành lá cấm người lạ vào nhà. Nhà nàng có người làm ruộng chăn trâu, có anh chị đã dựng vợ gả chồng, có ông bố già nghiện thuốc phiện, ôm bếp lửa khư khư.
Trong khung ảnh gỗ gụ trên vách nhà sàn là những bức ảnh nàng chụp cùng với đội xoè cùng mấy vũ công người Pháp. Bữa tối có hũ rượu cần. Cá xỉnh ướp muối nướng. Cơm nếp Tú Lệ. Chăn bông mới, đệm lau mới. Và có ánh mắt trinh nữ e lệ lẫn buồn rầu.
Đáng lẽ cứ sau một tuần ba cùng thì phải về đơn vị báo cáo một lần nhưng chàng y tá lại nằm lỳ cả tháng trời. Chàng học chơi đàn tính tẩu. Học tiếng Thái để hát dân ca. Đêm trăng sáng, dưới bóng những cây ban đã tưng bừng hoa dạo mùa xuân nơi đầu sàn, chàng đã ngắm nàng xòe chay trong tiếng đập cánh côn trùng.
Tưởng mất người, đơn vị đã tìm đến. Bản Thái được phát thuốc sốt rét, đã nhốt trâu bò ra xa nhà ở. Cỏ vườn được phát quang. Nhưng người chiến sĩ được phái đi ba cùng đã bắt rễ nhầm địa chỉ. Gia đình cô gái có gốc gác Phìa, Tạo. Bản thân cô ta đã đi học xòe phục vụ bọn Tây từ bé…
Kể đến đây Cầm Giang rũ xuống. Điếu thuốc cuốn lỏng tay, vụn sợi theo cả khói vào trong miệng, ông không nhằn ra mà nghiến răng nhai nuốt.
- Tệ thế đấy, tôi đã từng là một chiến sỹ có vẻ mất lập trường. Hơn nữa lúc đó bố mẹ ở quê cũng bị quy lên thành phần, nên tôi cũng tỏ ra hối hận. Tôi làm kiểm điểm, nhưng sao lại chỉ thấy hình ảnh Cầm Bạch Thiêm hiện lên rực rỡ một giấc mơ hồng…
Tôi đã không dám chào nàng, chào gia đình đông đúc của nàng, đang đêm ôm ba lô lội qua sông bỏ về. Tôi đã thật không phải… Nhưng sang đến bờ bên kia, tôi thấy trong ba lô đã có sẵn nắm cơm nếp Tú Lệ kèm ba con cá xỉnh ướp muối ớt nướng.
Và chiếc khăn Piêu. Rồi thì Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Đơn vị cơ động thường xuyên. Cầm Bạch Thiêm nghe đâu xung phong đi dân công hoả tuyến lại được tuyển vào đội múa...
Vừa lúc Bùi Đăng Sinh lễ mễ bê mâm cơm lên giục giã.
- Nào các vị, ta xoa chân ngồi thôi. Nghe Cầm Giang nói chuyện thì đến sang năm…
Trong bữa và sau đó thì Bùi Đăng Sinh đọc thơ, Cầm Giang bình. Ngỡ tưởng ông chỉ hùi hụi ăn, nhưng khi nghe ông nhận xét tôi bỗng giật mình vì sự tinh tế, nhạy cảm với chữ của ông.
Thế là ôi thôi bỏ lửng câu chuyện về Cầm Bạch Thiêm. Ngỡ duyên tôi với ông chừng vậy, nhưng may, một hôm ông biên tập viên già Tất Ứng, người vẫn hay được Bùi Đăng Sinh dấm dúi gửi thuốc lá rủ tôi về thăm Cầm Giang ở thôn Khách Nhi.
Hôm ấy Tất Ứng về chơi Khách Nhi là để nhờ Cầm Giang mua hộ lợn con và gà giống về bán kiếm lời. Cầm Giang đang đứng trên ghế đẩu quét mạng nhện trước hiên nhà.
Tôi không ngờ cơ ngơi ông nhà thơ mà lại có dáng vẻ của một phú ông. Gần bốn sào đất. Ba cái nhà xây khang trang, xếp hàng nhìn ra sông Hồng. Cây cối ăn quả, tre bao quanh bờ rào um tùm. Lợn gà rủm rỉm. Cuốc thuổng, xẻng cào, cày, bừa, dậm tép lủng lẳng treo ngang móc dọc tường bếp, hiên sau.
Cầm Giang hô người nhà rang lạc, đích thân xách chai rượu đặt cộp lên bàn. Mắt Tất Ứng rực lên khi thấy tăm rượu nếp lăn phăn trườn ngược.
- Người ta còn gọi anh lên huyện làm khó dễ nữa không?
Cầm Giang khoan khoái trườn người mở cánh tủ chìa ra cả mấy gang hóa đơn, giấy báo lĩnh nhuận bút mấy chục năm trời rồi sổ ghi chép bán gà bán lợn bày trên bàn. Những hoá đơn chỉ có đồng rưỡi hai đồng. Cao nhất là mấy trăm…
- Nếu tôi không giữ được những thứ này thì chắc khó nói. Nhà thơ từ trước tới nay đã ai tự xây được nhà. Hơn nữa lại là nhà thơ gõ đầu trẻ. Tôi không ngờ chỉ bằng sự tích cóp mà lại xây được nhà.
Có lẽ tại tôi sợ các con mình sau này hèn, không học được thì còn có chỗ chui ra chui vào, đỡ chường cái mặt ra nắng mưa. Văn chương là không ít lý do để con người hành hạ con người, nhưng mục đích tồn tại của Văn chương là để cứu con người khỏi tuyệt vọng. Ví như là tôi đây…
Tôi có ý chờ Cầm Giang nói tiếp, nhưng Tất Ứng đã đỡ lời, vẻ thông thạo hơn người, bỗ bã chỉ vào chủ nhà.
- Ông này nếu không có giấy chứng nhận dự lớp bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, và chữ ký của Nguyễn Đình Thi ở mảnh giấy đó, thì chắc chắn không thể chuyển ngành về làm giáo viên Văn ở Ty Giáo dục Vĩnh Phú được.
Cầm Giang chỉ có bằng y tá sơ cấp, quân y, đang làm công nhân đẩy goòng ở Thái Nguyên, nhưng với sự thuyết phục do những bài thơ về Tây Bắc, mà cán bộ tổ chức ngành Giáo dục Vĩnh Phú đã dám nhận thẳng ông vào dạy Văn cấp II, dạy đội Tuyển học sinh giỏi cấp huyện.
Lứa học trò giỏi văn năm ấy của ông, có những người nay là bạn tôi. Nhiều người theo nghề thầy. Trong họ bây giờ vẫn còn lưu giữ hình ảnh người thầy thăng hoa truyền thụ, tâm tình trong không gian chật hẹp của lớp học. Người đã hé cho họ thấy thế giới siêu vi hồn người qua Văn chương…
Gió từ sông thổi lộng. Sang ngang là Sơn Tây. Dịch chếch ngược dòng là Hoà Bình, một trong lối ngõ vào Tây Bắc gần hơn bao giờ. Có tiếng đàn cò rỉa lông trên ngọn bờ tre quắc quặc, Cầm Giang tự hào khoe.
- Chỉ nhờ luỹ tre ấy mà tuần nào các con tôi cũng có thịt ăn. Chặt bán một cây tre là được một cân thịt mông sấn.
Tôi băn khoăn không biết giữa người nông dân căn cơ bòn tro đãi sạn Cầm Giang với nhà thơ Cầm Giang thì có mối liên hệ với nhau như thế nào. Khó mà tưởng tượng hai con người trái ngược lại hoà hợp trong một thực thể...
Ông bạn già Tất Ứng liếc nhanh sang tôi như có ý khoe, trước khi hỏi Cầm Giang.
- Này cuốn tiểu thuyết tôi nhờ ông đưa cho Nguyễn Đình Thi đọc giùm đã có phản hồi gì chưa?
Cầm Giang im lặng hồi lâu.
- Ba tháng trước, ông Thi và ông Diệu có ghé qua đây. Nhưng thú thực, tiểu thuyết của cậu chưa ổn, tôi không dám đưa sợ mất thì giờ người ta…
Đận đó tôi hy vọng Cầm Giang kể tiếp đoạn kết về vũ nữ xòe Cầm Bạch Thiêm. Nhưng phần vì tôi ngất ngư say, phần vì Cầm Giang không hào hứng hồi cố. Vâng, cuộc đời làm thi nhân đã là nỗi đau bất tận, vậy nhớ lại vết thương lòng đã lên da phỏng mấy ai có gan. Cầm Giang cũng không là ngoại lệ chăng?
May, rồi nhờ một người bạn ở Sơn La, tôi có thể thêm vào một đoạn vĩ thanh. Vũ nữ xòe Cầm Bạch Thiêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết hôn với một sĩ quan tham mưu cấp trung đoàn.
Nhưng rồi viên sĩ quan hào hoa người Hà Nội đã sớm hy sinh vì nước. Miền Bắc giải phóng, Cầm Bạch Thiêm theo họ hàng di cư vào Nam. Mãi đến khi đất nước thống nhất thì nghe đâu bà đơn lẻ trở về Tây Bắc ở với người cháu họ.
Tự thân văn chương đã ắp bất ngờ và ly kỳ. Số phận những con người tạo tác nên những áng thơ văn để đời nhiều khi còn vượt lên tất cả những gì họ có thể tưởng tượng. Và Cầm Giang cũng nằm trong cái vòng tròn đó, ngay cả khi khuất đi rồi, vẫn còn để lại bao nhiêu là băn khoăn, vướng bận cho người đời truy tìm căn nguyên của những huyền hoặc…
Sau khi hiểu hết sự tình về nhà thơ Lương Cầm Giang mời các bạn thưởng thức lại hai thơ bất hủ của ông .Đây thực sự là "con đẻ" của ông.Nhưng vì những lý do như đã kể ở trên mà ông đã phải dằn lòng nóí là "dịch" từ tiếng dân tộc Thái do ông tình cờ thấy được bài thơ viết trên bẹ nứa của hai tác giả là Bạc Văn Ùi và Cầm Vĩnh Ui.Ông gọi nó là "con nuôi" để khai sinh cho những đứa con.Vì thế bây giờ chúng ta mới được đọc những bài thơ này.
Giờ đây sau tất cả mọi chuyện "đứa con tinh thần" của ông đã trở về đúng vị trí của của nó.Đây thực sự là những đứa "con đẻ"của ông.Dưới suối vàng chắc ông cũng ngậm cười vì những đứa con được chào đón nồng nhiệt hơn.Tôi cũng chào đón những đứa con của ông và choàng thêm chiếc áo mới bằng cách chuyển những bài thơ EM TẮM và NHỚ VỢ sang thể LỤC BÁT.Âu cũng là cách thưởng thức riêng của tôi.Mong ông vui lòng.Ông hãy ngắm đứa con với chiếc áo mới xem có nhận ra không nhé.
EM TẮM
Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm?
Da của em ngần trắng
Da của Ái của Êm *
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương.
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả,
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem!
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường
BẠC VĂN ÙI
-----------
EM TẮM
Sao anh lại đứng như rình
Trộm xem em tắm một mình hỡi anh?
Da em trắng của Ái,Êm*
Tay than bụi của lấm lem núi rừng
Tay em hương đất đồi nương
Tắm xong lại sạch thơm hương hoa ngàn
Của em da thịt trắng ngần
Của anh tất cả sao thầm trộm xem
Phải đâu xa lại không quen
Tay anh gìn giữ mới yên bản mường
Em đang tắm suối giữ rừng
Đừng để Tây đến canh chừng nghe anh
DIZIKIMI
NHỚ VỢ
Tôi nhớ vợ tôi lắm
Xin được về hai ngày
Nhà tôi ở Mường Lay
Có con sông Nậm Rốm
Ngày kia tôi sẽ đến
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn đúng Tây
Vì tay có hơi vợ
Cho tôi đi, đừng sợ
Tôi không chết được đâu
Vì vợ tôi lúc nào
Cũng mong chồng mạnh khoẻ
Cho tôi đi anh nhé
Về ôm vợ hai đêm
Vợ tôi nó sẽ khen
Chồng em nên người giỏi
Ngày kia tôi về tới
Được đi đánh cái đồn
Hay được đi chống càn
Là thế nào cũng thắng
Nếu có được trên tặng
Cho một cái bằng khen
Tôi sẽ rọc đôi liền
Gửi cho vợ một nửa.
CẦM VĨNH UI
NHỚ VỢ
Nhà tôi ở tận Mường Lay
Cho tôi về phép hai ngày mà thôi
Tôi nhớ vợ lắm anh ơi
Về ôm cho đỡ nhớ rồi lên ngay
Tôi nhất định bắn trúng Tây
Vì hơi vợ ấm nơi tay tôi cầm
Vợ mong tôi khỏe suốt năm
Tôi không thể chết hay nằm ốm đau
Kề vai áp má bên nhau
Vợ khen tôi đứng hàng đầu giỏi giang
Ngày kia xa cách xóm làng
Công đồn chắc thắng chống, càn không thua
Giấy khen trên thưởng chẳng đùa
Rọc đôi gửi vợ mới vừa lòng nhau
DIZIKIMI
Mời các bạn cùng đọc và cảm nhận cả "con đẻ" của chính tác giả với bút danh Bạc Văn Ùi và Cầm Vĩnh Ui và "con nuôi"do tôi chuyển thành lục bát xem sao.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]