KHÔN DẠI & DẠI KHÔN

KHÔN DẠI & DẠI KHÔN
Trong bài SẤM TRẠNG TRÌNH tôi đã đơn cử một vài bài thơ của TRẠNG trong đó có bài KHÔN DẠI.Bạn Son Dinh đọc và có cảm nhận đôi điều .Tôi tra xét lại không ngờ thấy nhiều người thích bài KHÔN DẠI của Trạng và họa đến hơn chục bài.Tôi gợi ý Son Dinh họa một bài.Son Dinh lập tức họa ngay và đưa vụ việc ở ĐỒNG TÂM đòi đất rất thời sự vào bài(bài họa 18 ).Trước đó tôi cũng không định họa song thấy có hứng nên cũng góp vui một bài (Số 19). Trần Tế Xương tức Tú Xương cũng có bài DẠI KHÔN hay không kém bài KHÔN DẠI của Trạng.Cái hay hơn nữa cái độc đáo là hai từ KHÔN DẠI được lặp đi lặp lại suốt bài thơ mà không thấy nhàm chán mà lại thấy rất phong phú muôn hình muôn vẻ càng đọc càng thấy hứng thú.
Mời các bạn đọc tất cả các bài nếu có nhã hứng thì họa thêm cho rôm rả.
Họa bài  KHÔN DẠI của Trạng Trình NGUYỄN BỈNH KHIÊM và bài DẠI KHÔN của Trần Tế Xương.
1. KHÔN DẠI
Tác giả: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Ở đời có dại mới nên khôn
Chớ dại ngu si, chớ quá khôn
Khôn được ích mình đừng để dại
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn
Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại
Gặp thời dại cũng hoá nên khôn .
2.DẠI KHÔN
Tác giả: Trần Tế Xương
Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn ?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn
3.DẠI KHÔN
Tác giả:JB.Nguyễn Hùng
Làm người giả bộ dại là khôn
Cậy chức hơn thua khó nói khôn.
Hiểu rộng lòng ngay đừng bảo dại
Nhìn xa hướng thiện bởi tâm khôn
Nhiều tiền thiếu chữ coi như dại
Lắm của vô tâm cũng chả khôn
Trí tuệ phô trương thì quá dại
Nhân từ thể hiện thế mà khôn
4.DẠI KHÔN
Tác giả: Phạm Văn Dương
Ai chẳng muốn mình thuộc loại khôn
Thế nào là dại, thế nào khôn?
Bằng: mua, chức: chạy – khôn mà dại
Đức: luyện, tài: rèn – dại thật khôn.
Ích kỷ, hại nhân làm việc dại
Yêu dân, giúp nước nghĩ điều khôn.
Người khôn hiểu chỗ mình còn dại
Kẻ dại tin rằng hắn rất khôn.
5.DẠI KHÔN
Tác giả: Phạm Ngọc Toàn
Rỗi rãi ta bàn chuyện dại khôn
Dại thường khoác lác tưởng mình khôn.
Lọc lừa trí trá khôn mà dại
Thẳng thắn thật thà dại rõ khôn.
Tham của hại người khôn hoá dại
Mua bằng chạy chức dại đâu khôn.
Chân dài xỏ mũi trăm đường dại
Ngẫm nghĩ ở đời lắm dại khôn!
6.DẠI KHÔN
Tác giả: Phạm Thanh Cải
Ngây thơ lắm kẻ nghĩ mình khôn
Người khác kém tài, lại thiếu khôn!
Khiêm tốn nhún nhường, cho đấy dại
Tự cao tự đại, tưởng rằng khôn.
Nhiều tiền đã chắc gì không dại?
Ít của hẳn là ấy chẳng khôn?
Ngẫm lại đời ta toàn thấy dại
Sáu mươi chưa thấy lúc nào khôn.
7.DẠI KHÔN
Tác giả: Lương Văn Trước
Đêm nằm suy ngẫm dại và khôn
Khoác lác, khoe khoang tưởng quá khôn
Trí trá, leo cao khôn hóa dại
Thẳng ngay, điềm đạm dại thành khôn
Tham lam, lừa lọc, khôn đâu: dại
Chạy chức, tham quyền, dại chẳng khôn
Cờ bạc, “mắt xanh” … là quá dại
Nghĩ đời nhiều lúc dại mà khôn !
8.DẠI KHÔN
Tác giả: Từ Đức Khoát
Ngày tết ta bàn chuyện dại khôn
Trên đời ai dại nhỉ , ai khôn?
Rượu say khoe mẽ là khôn dại
Cơm đủ khiêm nhường ấy dại khôn
Xe phóng tít mù khôn hóa dại
Rong chơi thong thả dại mà khôn
Lô đề phá của đâm đầu dại
Phát lộc cho đời thuộc loại khôn
9.DẠI KHÔN
Tác giả: Tây Hồ
Đời vẫn thường khi dại, lúc khôn.
Làm sao bớt dại để thêm khôn?
Dây vào lũ dại, khôn thành dại
Chơi với người khôn, dại hóa khôn.
Nói khoác, nói xuông thì mãi dại
Làm chăm, làm thật sẽ dần khôn.
Hám danh, tham lợi nuôi mầm dại
Vấp ngã đứng lên nảy lộc khôn.
10.KHÔN DẠI
Tác giả: Phạm Trường Nguyên
Vỗ ngực chỉ ta mới biết khôn
Coi thường dân chúng chẳng ai khôn ?
Le te luồn cúi khôn là dại
Chững chạc biết mình dại hóa khôn
Chỉ muốn hơn người khôn thành dại
Nhún nhường giúp bạn dại mà khôn
Có khôn đều trải qua khi dại
Biết dại đôi lần sẽ thật khôn .
11.CHƯA KHÔN
Tác giả: Phạm Thị Thúy Lan
Muôn mặt cuộc đời lắm dại khôn
Ngỡ là dại đấy, thế mà khôn:
Thâm trầm lựa ý, khôn không dại
Vội vã lỡ lời, dại chẳng khôn
Rằng “chả biết gì”, đừng tưởng dại
Khoe “thông tường hết”, chớ tin khôn
Ngẫm lâu càng thấy mình còn dại
Học suốt tháng ngày vẫn chửa khôn.
12.DẠI VÀ KHÔN
Tác giả: Vũ Hữu Bình
Con cháu ai mà chả muốn khôn
Cùng nhau định hướng để thành khôn
Chơi bời lêu lổng còn đương dại
Học tập chuyên cần đấy mới khôn
Nhũng Đảng tham tiền hư mất nết
Thương dân yêu nước thực là khôn
Cao niên mẫu mực nêu gương sáng
Phân tích tỏ tường chuyện dại khôn
13.CHUYỆN DẠI KHÔN
Tác giả: Nguyễn Minh
Gặp nhiều cái dại cũng sinh khôn ?
Có dại rồi ra mới biết khôn.
Thơ trẻ lon ton ai bảo dại
Già nua từ tốn ấy là khôn
Việc đời thất thế khôn ra dại
Sự nghiệp công thành dại hóa khôn
May rủi lẽ thường đâu phải dại
Ai mà không dại đã nên khôn !!!
14.CHÍNH NGHĨA
Tác giả: Phạm Minh Thông
Ngây ngây tưởng dại hóa ra khôn,
Có kẻ làm thinh, nẻ vỏ khôn.
Cứ để cho người trao hết ý,
Thì mình giở giọng dạy đời khôn.
Rằng Anh ý sáng cao vời vợi,
Biết Bác từ lâu chỉ có khôn.
Đất thấp, trời cao bao quỷ quái,
Cầm bằng chính nghĩa, ấy người khôn.
15.KỂ CHUYỆN DẠI KHÔN
Tác giả: Phạm Đạo
Một ông vẫn được tiếng là khôn
Xuất bản tập thơ cứ tưởng khôn.
Chi mấy tháng lương giờ thấy dại
Cầm trăm quyển sách có còn khôn?
Viết đưa ai biết? Đưa thằng dại?
Tìm kiếm người hay, kiếm bạn khôn.
Tiền mất, tật mang, già vẫn dại
Mong liều thuốc đắng sẽ nên khôn.
16.THƠ LUẬN DẠI KHÔN
Tác giả: Trần Đình Thư
Thuở trước nói nhiều chuyện dại khôn
Đến nay chưa hẳn đã nên khôn
Tà tâm thất đức khôn thành dại
Thành thật thẳng ngay dại hóa khôn
Ném đá dấy tay là kẻ dại
Chỉ tên điểm mặt ấy người khôn
Bao che dung túng khôn mà dại
Nhận lỗi khi sai thế mới khôn
17.DẠI KHÔN
Tác giả: Nguyễn Đức Pha
Sinh ra có dại mới thành khôn
Chớ quá ngu đần chớ đểu khôn
Khôn học nên người là chẳng dại
Dại mà biết sống hóa thành khôn
Khôn không tích đức đồ ngu dại
Dại biết tu nhân loại rất khôn
Khôn mấy cũng còn bao cái dại
Khi đời gặp bước sẽ thành khôn
18.KHÔN DẠI "ĐỒNG TÂM "
Tác giả Sơn Đinh
Đấu tranh bảo dại ấy mà khôn ?
Vụ việc "ĐỒNG TÂM " Dân rất khôn !!!
Cảnh sát thi hành cảnh sát dại (1)
Chính quyền đối thoại chính quyền khôn
Nhún nhường mọi lúc không là dại
Cương quyết tùy thời thế mới khôn
Ngẫm nghĩ xưa nay khôn với dại
Khôn chìm trong dại... dại sinh khôn...?
19.DẠI KHÔN
Tác giả Đinh Duy Đang
Rỗi rãi thử bàn chuyện dại khôn
Thế nào là dại, thế nào khôn?
Ngốc đàn tuy vậy là chưa dại
Khôn độc thế mà vẫn chửa khôn*
Khôn lỏi đôi khi là rất dại
Khôn lanh mọi lúc mới là khôn
Vô tư với bạn là không dại
Khôn khéo, biết điều mới thật khôn
DIZIKIMI
* "Khôn độc không bằng ngốc đàn"(thành ngữ)
20 .DẠI KHÔN
Họa nguyên vận y đề bài của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Xem kìa trăm dại hóa ngàn khôn
Bảo dại tranh nhàn đấy dại khôn
Được khôn chả giữ khôn thua dại
Biết dại không đòi dại thắng khôn
Khôn hành kiểu ác Thần cho dại
Dại đáo am thiền Phật bảo khôn
Đãi khách bầy khôn thành kẻ dại
Dại giữ nhân nồng đích dại khôn.
Thơ NGUYỄN XUÂN VÀNG ngày 27/4/2020.
21.DẠI KHÔN
Họa nguyên vận y đề bài của Trần Tế Xương.
Ai người muốn dại chỉ thèm khôn
khôn dại cung tình đảo dại khôn?
Đường đua hám trận khôn mà dại
Cửa vãng theo thiền dại hóa khôn
Muốn học thành khôn nhờ đã dại
Mong guồng rửa dại để còn khôn
Lời nhân khôn dại vương trần thế
Nỗi khổ khôn chừng mất dại khôn
Thơ NGUYỄN XUÂN VÀNG ngày 27/4/2020.
22. LUẬN KHÔN DẠI
Lật ngửa ván cờ biết dại khôn
Đang trong thế trận khó lường khôn
Ra Xe* đối ngựa e chừng dại
Nã Pháo* khai màn chớ bảo khôn
Chậm vượt qua sông là Tốt* dại
Nhanh nhường bước địch Mã* tinh khôn
Mưu sâu dũng Tướng* vờ ngây dại
Sĩ* Tượng* trung thành thế mới khôn
Trần Tuấn Anh
* những quân cờ trong bàn cờ tướng
23 DẠI KHÔN
DẠI KHÔN
Đời người lỡ dại mới thành khôn
Đừng quá ngốc ngu mà cậy khôn
Khôn ích cho đời đừng quá dại
Dại rồi kín miệng chớ giành khôn
Khôn lừa kẻ khó khôn ngu dại
Dại giúp người đau dại lại khôn
Ở với kẻ ngu khôn hóa dại
Sống chung người giỏi dại thành khôn
Vũ Giang
SƠ YẾU THÂN THẾ SỰ NGHIỆP NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Nguyễn Bỉnh Khiêm (chữ Hán: 阮秉謙; 1491–1585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt (阮文達), tên tự là Hanh Phủ (亨甫), hiệu là Bạch Vân am cư sĩ (白雲庵居士), được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử (雪江夫子), là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công (程國公) mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Đạo Cao Đài sau này đã phong thánh cho ông và suy tôn ông là Thanh Sơn Đạo sĩ hay Thanh Sơn chân nhân. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình.
Nguyễn Bỉnh Khiêm được xem là người xứng đáng kế thừa và phát triển ngôn ngữ thi ca dân tộc kể từ sau thời Nguyễn Trãi, góp phần giúp nó đạt đến mức độ hoàn thiện cao dưới thời Nguyễn Du. Hai tập thơ của ông là Bạch Vân am thi tập (chữ Hán) và Bạch Vân quốc ngữ thi tập (chữ Nôm) được coi là thành tựu lớn của thơ văn trung đại Việt Nam, mở đầu cho một dòng văn học chạm chân vào hiện thực, đã mô tả xã hội dưới góc nhìn đời tư và đời thường, là một cống hiến lớn của văn học thời Mạc đối với tiến trình phát triển và hoàn thiện của văn học dân tộc.
Ngoại trừ quãng thời gian dưới 10 năm thời thơ ấu có thể xem là bình yên cuối triều Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống gần trọn thế kỷ 16, một thế kỷ nhiều biến chuyển mang tầm ảnh hưởng chưa từng có trước đó trong lịch sử dân tộc, mà ông vừa là nhân chứng vừa là nhân tố quan trọng tạo nên chúng. Là một người xuất thân từ tầng lớp trí thức quan lại nhưng cả cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ coi việc làm quan là lý tưởng cao nhất của sự nghiệp, cũng như là một nhà nhân đạo chủ nghĩa ông luôn đề cao tư tưởng thân dân trong sách lược trị nước.
Ông cũng được sử sách và người đời thừa nhận rộng rãi với tư cách là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, với tầm nhìn địa chính trị đi trước thời đại nhiều thế kỷ. Những lời cố vấn nổi tiếng của ông dành cho các tập đoàn quyền lực phong kiến Mạc, Lê-Trịnh, Nguyễn (nói theo lời của danh sĩ Nguyễn Thiếp là phiến ngữ toàn tam tính) đã có ảnh hưởng to lớn, mang tính bước ngoặt đối với tiến trình của lịch sử dân tộc và từ đó tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của cả khu vực Đông Nam Á trở về sau. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt về chủ quyền của đất nước trên biển Đông ngay từ thế kỷ 16. Ông cũng có thể là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam – với tư cách là quốc hiệu của dân tộc – một cách có ý thức nhất thông qua di sản thơ văn của ông còn lưu lại đến ngày nay.


CỔNG TRUNG AM TỪ

             
                   PHÙ ĐIÊU BÊN PHẢI  TƯỢNG ĐÀI 



PHÙ ĐIÊU BÊN TRÁI TƯỢNG ĐÀI 


ĐÈN THỜ CŨ TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM



TƯỢNG TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM


AN NAM LÝ HỌC


ĐỀN THỜ MỚI TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM


        TƯỢNG ĐÀI TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LỄ HỘI SEX Ở ĐỨC